NÂNG LƯƠNG TỐI THIỂU VÙNG - Mức đề xuất vẫn vênh nhau
Trong khi phía Tổng LĐLĐ Việt Nam vẫn giữ nguyên mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2019 là 8% thì Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã đề xuất tăng 2%, thay vì không tăng như lần trước
Chênh nhau 6%
Trong khi Tổng LĐLĐ Việt Nam - đại diện người lao động (NLĐ) - vẫn giữ nguyên mức đề xuất tăng 8% thì Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - đại diện cho chủ sử dụng lao động - chỉ đề nghị tăng 2% (thay vì không tăng như phiên thương lượng lần thứ nhất hôm 9-7). Mức chênh lệch trong đề xuất giữa các bên rút ngắn còn 6%.

Đã có sự tranh luận khá gay gắt giữa các bên, trong đó các chỉ số để xác định mức sống tối thiểu của NLĐ là một trong những nội dung đáng quan tâm nhất ở phiên thương lượng này.
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI, cho biết thay vì không tăng như phiên đầu tiên, VCCI đã đề xuất tăng 2%. "Việc điều chỉnh mức đề xuất tăng 2% đã phần nào tính tới sự cân đối giữa bảo đảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) và cải thiện chất lượng việc làm, tạo thêm nguồn việc làm mới và tính tới nhiều yếu tố khác" - ông Phòng lập luận. Còn ông Ngọ Duy Hiểu, Trưởng Ban Quan hệ lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho rằng bộ phận kỹ thuật đề xuất chọn tỉ lệ chi phí lương thực - thực phẩm chiếm 48%, còn chi phí phi lương thực - thực phẩm là 52%. Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất cơ cấu nhu cầu lương thực - thực phẩm chỉ chiếm 45%, còn chi phí phi lương thực - thực phẩm là 55%. Tổng LĐLĐ cũng hết sức băn khoăn là mức sống tối thiểu của NLĐ do bộ phận kỹ thuật tính toán năm nay thấp hơn nhiều so với số liệu của chính họ đưa ra năm ngoái (2017). Nguyên do là họ xác định "rổ hàng hóa" tiêu dùng thiết yếu theo giá năm 2016 với giá trị 660.000 đồng/tháng, thấp hơn giá năm 2014 (724.000 đồng), trong lúc CPI từ năm 2014 đến nay tăng trên 10%. "Giá cả thị trường tăng theo năm nhưng việc xây dựng rổ hàng hóa với định lượng 54 mặt hàng thiết yếu trong cuộc sống lại giảm đi" - ông Hiểu nói.
Ông Hiểu nhấn mạnh "rổ hàng hóa" và tỉ lệ lương thực - thực phẩm là 2 vấn đề cốt lõi để tính toán mức sống tối thiểu mà Tổng LĐLĐ Việt Nam đang theo đuổi. "Chúng tôi vẫn giữ phương án đề xuất tăng lương năm 2019 phải ở mức 8%, căn cứ theo tình hình tăng trưởng kinh tế, xu hướng phát triển kinh tế, kinh doanh phát triển, nhiều DN, dự án đầu tư mới. Khi DN phát triển thì NLĐ phải được hưởng lợi. Để đạt được mục tiêu đến năm 2020, mức LTT đáp ứng được mức sống tối thiểu thì phải bảo đảm mức tăng lương trong 2 năm tới hài hòa. Mức tăng phải phù hợp với sức chịu đựng của DN nhưng cũng tương ứng với sự đóng góp của NLĐ".
Không thể không tăng lương
Tới thời điểm hiện tại, nhiều chuyên gia phân tích mức tăng 5% - 6% có thể là phương án hợp lý, bảo đảm quyền lợi cho NLĐ và người sử dụng lao động. Đây là mức mà bộ phận kỹ thuật thuộc Hội đồng Tiền lương quốc gia đưa ra trước đó để các bên tham khảo - đó là tăng LTT khoảng 5,3% cho năm 2019.
Các bài đăng khác
- Phát huy dân chủ cơ sở để nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn cơ sở (25.12.2020)
- Lễ khánh thành hội trường B Liên đoàn Lao động Quận (24.11.2020)
- Hội nghị cán bộ công chức Trường tiểu học Trương Văn Hải năm học 2020 - 2021 (05.11.2020)
- Đại hội công đoàn trường mầm non Sơn Ca, nhiệm kỳ 2020 - 2023 (05.11.2020)
- Đại hội công đoàn Công ty TNHH Long Cường lần thứ II, nhiệm kỳ 2020 - 2023 (05.11.2020)